Hành trình khám phá Amazon
Ngày 19-6 này, lần đầu tiên nhóm làm phim của Đài truyền hình TP.HCM lên đường chu du dải đất Nam Mỹ kỳ thú để thực hiện loạt phim ký sự khám phá đường dài sông Amazon - một trong những con sông vĩ đại và nổi tiếng nhất thế giới.
Công chúng VN ngồi trước màn ảnh nhỏ sẽ thưởng thức gì từ cuộc hành trình phiêu lưu của nhóm làm phim (gồm năm người) liên tục 66 ngày trải qua năm quốc gia gồm Brazil, Venezuela, Colombia, Peru và Bolivia?
Đạo diễn Lý Quang Trung - trưởng phòng phim tài liệu của Hãng phim truyền hình TP.HCM TFS - cho biết: “Ký sự này giới thiệu đến người xem VN một cái nhìn khái quát về con sông Amazon trong quá khứ và ngày nay, qua đó giúp khán giả hiểu thêm về lịch sử, kinh tế, các nền văn hóa xã hội, di tích... của các dân tộc sống ở lưu vực Amazon. Ký sự cũng cung cấp những thông tin có chủ điểm đặc thù về cuộc sống đương đại của cư dân các nước sở tại, và cả cộng đồng người Việt sinh sống tại lục địa này”.
+ Đi từ sa mạc tới núi cao, từ biển cả đến sông ngòi xuyên lục địa, điều gì ấn tượng với các anh nhất?
- Lý Quang Trung: Tôi thấy con người dù ở đâu trên Trái đất này cũng mơ ước một xã hội văn minh, giáo dục hướng thiện và sống đẹp. Tôi mong VN mình tiếp tục có ý thức giữ gìn di sản văn hóa lịch sử, có chiến lược phát triển đời sống xã hội căn cơ và lâu dài như nhiều quốc gia phát triển trên thế giới.
- Việt Bình: Xứ người rất trân trọng thiên nhiên, khai thác tiết kiệm thiên nhiên, trong khi VN được thiên nhiên ban tặng rất nhiều món quà quí giá (đặc biệt là biển cả) nhưng chúng ta đối xử với thiên nhiên còn tệ bạc quá.
Cuộc chu du khám phá Amazon thật sự là một hành trình tạo cơ hội cho sự sáng tạo sinh sôi bởi cả nhóm làm phim HTV chưa ai từng đến Nam Mỹ, kể cả anh Huy Cát - người hướng dẫn của đoàn có thể nói tiếng Bồ Đào Nha nhưng cũng chưa từng có dịp đặt chân đến miền đất này. Hơn nữa, với một hành trình di chuyển zích zắc phức tạp, dài hơi qua nhiều quốc gia có cách hành xử an ninh khác nhau, tiếp cận các sắc tộc xa lạ, địa hình sinh thái khắc nghiệt (ví dụ hệ thống động thực vật hoang dã ở rừng Amazon không phải là không tiềm ẩn những hiểm nguy) như thế này, thử thách đặt ra cho những nhà làm phim Việt rõ ràng không nhỏ.
Nhóm làm phim HTV đã quyết định chọn thành phần đi Amazon tinh giản và toàn nam với một đạo diễn và viết kịch bản Việt Bình, quay phim Huỳnh Lâm, dựng phim Nhật Quang và biên tập, MC Hoàng Khương. “Anh em chúng tôi sẽ được “thử lửa” tính chịu đựng, cơ động và khám phá trong công việc.
“Cựu binh” san sẻ kinh nghiệm, còn “tân binh” có sức trẻ đảm đương khối lượng công việc nặng nhọc” - đạo diễn Việt Bình phân tích và khẳng định nếu không có sức khỏe thì không thể làm việc theo nhịp độ gắt gao 18 giờ/ngày (hằng ngày quay phim từ 8g sáng đến chiều, sau đó buổi tối tranh thủ dựng phim tại chỗ và truyền về VN đến 1-2 giờ sáng hôm sau!).
Sau nửa năm chuẩn bị tư liệu kiến thức nền, lên đề cương, vạch lộ trình, nhóm làm phim Amazon lên kịch bản sơ khởi khoảng 100 phóng sự ngắn cho suốt chuyến đi. “Nhưng tùy tình hình thực tế xứ người, nếu chúng tôi làm được khoảng 70% số này cũng là đạt yêu cầu” - Việt Bình nói.
Một điều khán giả rất quan tâm là Ký sự Amazon không đi quá chi tiết vào các vấn đề vĩ mô lịch sử, văn hóa, kinh tế... của các quốc gia vùng Amazon, mà phản ánh những câu chuyện, hình ảnh sinh động, chân thực dưới góc nhìn của người VN. Đạo diễn Việt Bình hình dung: “Tính tương tác và gần gũi với khán giả ngồi xem từ bên nhà sẽ được đặc biệt chú trọng để những tập phim gửi về không bị lặp lại nhàm chán. Kịch bản Ký sự Amazon sẽ có những so sánh đối chiếu mang tính liên hệ thông tin để gần gũi với khán giả trong nước”.
Khi nhóm làm phim Amazon lên đường phiêu lưu mới thì ở nhà, người xem vẫn đang thưởng thức loạt Ký sự hỏa xa - hành trình xuyên lục địa, gồm 75 tập ký sự ngắn với độ dài 8-10 phút/tập (Hãng TFS lại đang tiếp tục dựng lại phiên bản thứ hai thành bộ phim tài liệu chắt lọc và đầy đặn với 40 tập, mỗi tập 20 phút). Có thể nói thành công của Ký sự hỏa xa (đi qua 15 quốc gia Á - Âu trong 62 ngày đêm) hay trước đó là phim tài liệu Mêkông ký sự (92 tập - thực hiện tròm trèm sáu năm trời) đều gây sức hút đối với khán thính giả xem đài, đã tạo động lực rất lớn để anh em làm phim HTV mạnh dạn tiến hành Ký sự Amazon.
Trải qua những ngày dài trên tàu hỏa xuyên lục địa, đạo diễn Lý Quang Trung thừa nhận về mặt nghề nghiệp chuyên môn, mỗi chuyến đi là một lần êkip làm phim trưởng thành hơn, năng động hơn và có tính thích nghi cao hơn với cường độ làm việc nóng hổi, chạy đua với thời gian... Về sự phản hồi của người xem, hầu hết những nhà làm phim VN thực hiện những “thiên ký sự đường xa” kiểu này đều cảm thấy mọi mệt nhọc gian khổ của hành trình như giảm hẳn và tan biến, khi đọc rất nhiều lá thư điện tử từ khán giả khắp nơi gửi đến hộp mail của đoàn ngay trong chuyến hành trình.
“Rất nhiều bạn trẻ, sinh viên trong nước kể lại cảm giác xem phim rằng họ không chỉ ngồi yên thưởng ngoạn những thước phim, những hình ảnh về các vùng đất xa xôi mà cảm giác thôi thúc họ, trong tim họ như trỗi dậy nỗi khát khao phiêu lưu khám phá những nơi chốn, cảnh vật, con người phương xa đó! Các bạn trẻ hỏi chúng tôi cách đi như thế nào thuận tiện nhất, chi phí tiết kiệm được không, những kinh nghiệm tham quan nơi miền đất lạ...” - Trung cho biết. Từ kinh nghiệm thực tế, đạo diễn này cho rằng muốn đi chu du khám phá, các bạn trẻ chỉ cần ba điều kiện: sức khỏe, kinh phí và dung dưỡng niềm say mê chinh phục, khám phá lẫn tự tin thực hiện điều đó.
Đạo diễn Việt Bình tâm sự trước giờ G khởi hành đi đến miền đất huyền bí bên kia địa cầu: “Mỗi giây phút bạn sống trong đời chỉ trôi qua một lần. Tại sao bạn không làm cho những giây phút đó trở thành không bao giờ quên? Hãy vác balô và lên đường khám phá thế giới để biết thế giới này bao la biết bao, và chắc chắn bạn sẽ thấm thía cảm giác hoài nhớ và yêu thương quê nhà VN nhiều lắm...”.
TRUNG NGHĨA (Báo Tuổi trẻ)
download | Fshare | avi | 04 tập
No comments:
Post a Comment